Tin Tức

Khởi nghiệp (startup) cần đi vào thực tế hơn.

Khởi nghiệp (startup) cần đi vào thực tế hơn.

Khởi nghiệp hiện nay là phong trào đã và vẫn đang nở rộ ở khắp nơi, mang tới nhiều điều tốt đẹp, nhưng cũng nhiều chuyện “đáng suy nghĩ”. Theo thống kê thì có tới 98% các dự án khởi nghiệp thất bại ngay trong 3 năm đầu tiên, vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới một tỉ lệ thất bại lớn và gây lãng phí xã hội lớn như vậy.

Tôi đã từng thực tế làm quản lý cấp cao cho các tập đoàn kĩ thuật hàng đầu của Đài Loan, Mỹ, Pháp. Trước khi sáng lập công ty riêng mình, và đầu tư vào công ty khác, bản thân cũng là nhà nghiên cứu về chiến lược, quản trị, quản lý, luật và là nhà đầu tư và mentor cho các dự án khởi nghiệp hơn 10 năm nay ở Việt Nam và một số nước. Tôi thấy rõ môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam rất khác biệt so với ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, thậm chí ngay ở gần ta là Thái Lan, Singapore, thậm chí là Trung Quốc được coi là từ chính trị, xã hội gần giống ta nhất … Cái lỗi mang tính hệ thống toàn xã hội là a dua theo phong trào mà thực sự không hiểu biết hoặc cố tình không chịu đào sâu nghiên cứu thực tế điều kiện về nhân lực, nhận thức xã hội, hạ tầng xã hội, văn hóa, hiện trạng kinh tế Việt nam ra sao…Rất nhiều hội thảo, sự kiện mang tầm quốc gia, hoặc địa phương cũng chỉ là các phát biểu mang tính cổ vũ phong trào, hơn là thực tế định hướng đúng, dẫn dắt, hỗ trợ.

Rồi nhiều nơi nói về “Dạy con làm giàu”, “Làm giàu không khó”, “Tự do tài chính” “Thu nhập thụ động”, “cơ hội đầu tư dễ dàng, tương lai sáng lạng” với muôn hình vạn trạng, rồi đến công nghệ blockchain (thực chất là tiền ảo, pháp luật chưa cho phép), và đa cấp..  Nói đến việc làm giàu quá dễ dàng, với các ngôn từ và dàn dựng rất “ảo hóa” như là “Chỉ cần có ý chí và quyết tâm bạn sẽ đạt được…”. Rồi lôi kéo cả những người đã hoặc đang từng có vị thế xã hội, để tạo niềm tin. Chưa kể xã hội thiếu các điều chỉnh văn hóa giới trẻ, giá trị xã hội bị chi phối ảnh hưởng bởi các giải trí online, ngập tràn những tin tức, hình ảnh ăn chơi, giải trí, và tệ nhất là cái nạn “game” và “phim ảnh trên mạng”, toàn là những nội dung mang tính giải trí rẻ tiền, thậm chí là sai lệch, nguy hiểm. Điều đó rất đáng báo động vì nó làm gia tăng tính tự kỷ của trẻ, và có thể gây suy nghĩ không chính chắn khi lớn lên, khi mà trẻ chỉ suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, máy tính bảng. Thậm chí cả người lớn cũng bị cuốn hút vào những thứ đó, đến nỗi không còn tập trung làm việc, ăn ngủ đúng giờ nữa. Bỏ qua những hoạt động ngoại khóa, giao lưu với mọi người, tìm hiểu trang bị cho mình những kiến thức, trải nghiệm cuộc sống tốt, để có thể có một khả năng nhất định hòa nhập với xã hội, vừa phát triển cho mình và vừa thực hiện trách nhiệm xã hội.

Cũng chính vì vậy mà mối liên kết giữa con người với con người dần trở nên nhạt nhòa. Giá trị đạo đức đang dần bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật và chủ nghĩa cá nhân.

Hiện nay có những người trẻ, thậm chí cả trung niên, không còn tập trung học hành và làm việc nữa! Họ mông lung, họ đi làm cho các công ty nhưng tư tưởng và đầu óc của họ chỉ là “Tạm thời”, không nỗ lực và tập trung làm việc, và họ rất dễ bỏ việc ngang để gọi là “Startup”. Mà chỉ nghĩ khởi nghiệp là phải ra làm riêng, mở công ty riêng, thậm chí là copy lại cái ngành nghề mà công ty trước đó làm, hoặc chỉ là những thứ dễ nhìn dễ thấy như là quán café, shop quần áo… Chỉ dựa trên cảm nghĩ của mình, mà thiếu đi sự nghiên cứu thị trường một cách rõ ràng, đánh giá kỹ năng, năng lực, điều kiện của mình liệu có đủ chưa. Trong khi có thể đề xuất ban giám đốc cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ một đơn vị/bộ phận nào đó, hay đề xuất độc lập về tài chính và quản lý một mảng riêng nào đó, mà vẫn dựa trên hệ thống nguồn lực của công ty. Hoặc cải tiến một dây chuyền nào đó, tạo ra một sản phẩm nào đó… cũng là startup. Mà startup dạng này nhiều khi lại còn mạnh hơn phải thiết lập từ đầu, lại ít rủi ro hơn nhiều.

Rồi những người chia sẻ đào tạo về khởi nghiệp cũng chỉ là chia sẻ từ copy lại các nguồn tài liệu quốc tế hoặc trên mạng. Mà không biết rõ nó ứng dụng cho các trường hợp nào, hay có phù hợp với môi trường văn hóa, xã hội, con người của mình không, mà cứ copy rồi chia sẻ. Từ một chia sẻ ban đầu sai, thì cứ thế chia sẻ ra nhiều cái sai khác…. theo kiểu dây chuyền. Rồi chưa từng tự làm chủ doanh nghiệp, và điều hành doanh nghiệp của mình phát triển một cách chuyên nghiệp, có đội ngũ nhân viên và tạo ra sản phẩm dịch vụ tốt cho xã hội, đóng thuế tốt, mà lại đi dạy khởi nghiệp thì thật là chưa đúng. Chưa nói để làm mentor, thì càng phải đòi hỏi cao hơn cả về kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức của mentor ấy. Tôi thấy nhiều nơi giới thiệu mentor chỉ mới là cấp quản lý của một doanh nghiệp nào đó, bản thân vẫn còn đi làm thuê. Hoặc là chủ doanh nghiệp, nhưng bản thân lại chẳng có đủ kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực về quản trị, quản lý, tài chính, nhân sự …gì cả. Hoặc chính doanh nghiệp của mình còn chưa phát triển được, ổn được, thì mentor, hỗ trợ khởi nghiệp kiểu gì?

Ở Mỹ mỗi năm có hàng chục triệu các dự án khởi nghiệp, nhưng để có các dự án như Google, Facebook… thì nó là tỉ lệ 1 trên trăm triệu, còn với thế giới thì nó là 1 trên vài tỉ. Nhưng báo chí thì hay nói đến các start-up thành công hơn, chứ hiếm khi nói đến hàng triệu startup thất bại. Hậu quả là nhiều em khi có ý tưởng, đã vội vàng huy động tiền gia đình để đầu tư, mở công ty và hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Hoặc em nào có kinh nghiệm và chút năng lực thì vội vàng định giá công ty của mình là chục trăm tỉ này nọ… theo kiểu dân số Việt Nam gần 100 triệu, thì chỉ cần 1% là có ngay 1 triệu khách hàng… Rõ là “Đếm cua trong lỗ”, trong khi bản thân còn chưa tìm thấy “lỗ Cua” ở đâu, chưa nói có đủ kỹ năng và đủ khả năng bắt cua hay không. Nên tự đặt ra là huy động vốn lần 1, rồi lần 2, lần 3, … Trong khi thu nhập từ dự án đó chưa chắc đủ mua cơm bình dân ăn hết mùa thu lá rụng…

98% startup thất bại

Nên lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ hoặc ngay những ai đã khởi nghiệp như sau:

– Bạn nên đi làm để học hỏi kỹ nẵng làm việc, tác phong công nghiệp, cách giao tiếp và rèn luyện cách cư xử. Và cố gắng chứng minh năng lực nào đó ở các công ty mà bạn làm. Nhưng nếu bạn cảm thấy năng lực chưa chắc, thì có thể đến các nơi có “vườn ươm doanh nghiệp” để mà nhận hỗ trợ. Như tại vườn ươm VTOCgroup, Cát Xanh luôn có các mô hình thực tế là các công ty thành viên và các công ty liên kết đa ngành nghề, và bạn được dựa trên nền tảng, nguồn lực đó để mà phát triển. Bên cạnh luôn được chủ doanh nghiệp chuyên nghiệp, hỗ trợ mentor cho bạn cứng cáp thêm, thì tỉ lệ thành công cao hơn.

– Chân thực và là người chính trực, giao tiếp, thái độ tốt (Hiện nay rất nhiều chủ startup giao tiếp, cư xử chưa tốt, mà để một người vững vàng ở xã hội này, thì đòi hỏi ngoài năng lực, khả năng thì cách đối nhân xử thế rất quan trọng).

– Đừng ảo hóa khi dự án chưa có nguồn thu ổn định và kiến thức của mình chỉ là đọc những dữ liệu trên mạng, sách vở.

– Sản phẩm/dịch vụ của mình phải thực sự có sự khác biệt, độc đáo hơn các sản phẩm khác có trên thị trường. Đã có nhiều người dùng sản phẩm/dịch vụ của mình và đã đạt một mức doanh thu nhất định rồi.

– Và ngay cả khi đã cứng cáp, đủ điều kiện nhất định để khởi nghiệp mở doanh nghiệp. Thì bạn nên tìm người đồng hành, là quỹ, doanh nhân chuyên nghiệp sẵn sàng đầu tư tài chính và mentor, chia sẻ giúp bạn về kinh nghiệm quản trị, tổ chức, chiến lược phát triển. Tốt nhất là chọn nhà đầu tư/mentor có kinh nghiệm quốc tế lẫn Việt Nam.

– Với công ty đã hình thành, đã hoạt động mà không còn phát triển nữa, thì nên đóng lại hoặc đủ khả năng thì thuê đơn vị tư vấn về chiến lược, quản trị, quản lý giúp mình tái cấu trúc, xem có nên tồn tại hay phải thay đổi ra sao. Hoặc thuyết phục, mời được cổ đông có thể giúp mình phát triển.

Tại VTOC group và quỹ đầu tư và phát triển RamBon, luôn sẵn sàng ươm tạo, hỗ trợ và đầu tư, mentor cho các startup. Chúng tôi có chiến lược hỗ trợ startup theo cách thực tế, nghĩa là phải được ươm tạo, đào tạo, huấn luyện phần “Tâm” trước, rồi tới tổng thể các kỹ năng, năng lực trước khi đầu tư và mentor, hỗ trợ suốt quá trình startup phát triển. Chúng tôi sẵn sàng đào tạo thực hành về khởi nghiệp từ chính các nguồn lực mà chúng tôi và các đối tác liên kết đã dày công xây dựng và đang vững vàng ở nhiều ngành nghề khác nhau. Ngoài ra Viện ISAI sẵn sàng hỗ trợ tư vấn tái cấu trúc, quản trị, quản lý, đổi mới sáng tạo, …Nhằm giúp các doanh nghiệp đã hình thành đang gặp khó, hoặc cần phải đổi mới để đi tiếp. Hoặc cần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và đội ngũ của mình.

 

Kinh tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn, ngay cả các doanh nghiệp đã hình thành và phát triển lớn mạnh qua nhiều năm, tài chính vững vàng, quan hệ kết nối tốt, mà còn khó khăn, thậm chí có trường hợp thất bại, phá sản. Do đó khi nghĩ đến khởi nghiệp, thì nên nhìn nhận thật nghiêm túc là một quá trình khó khăn, đòi hỏi phải có đủ năng lực và nỗ lực làm và học hỏi rất dữ dội, thì mới mong thành công. Và không phải ai cũng có thể khởi nghiệp được, nó không dành cho số đông.

Và những người đang đi hỗ trợ hay phát triển startup cũng nên bỏ đi cái kiểu là chỉ nói những điều hay, còn những thất bại, bất lợi, khó khăn, khổ cực thì nói qua loa cho xong. Đó là vô trách nhiệm hoặc kém hiểu biết, góp phần làm hại giới trẻ. Và những người trẻ bớt “nhìn màu hồng” và thích nghe những lời “Đầy ngôn tình” dễ nghe lại. Hãy thích nghe những chỉ dạy, chia sẻ mà nó “Đập bỏ đi cái mai rùa, cái bảo thủ” đã lớn lên suốt thời gian qua cùng mình. Bài học đáng học, câu nói đáng nghe, đáng đọc nhất là cái mình khó nghe, khó đọc, khó chịu, nhưng khi vượt qua các điều đó thì giúp mình tốt hơn. Hoàn toàn không nên theo sự dễ dãi, hoặc theo cảm tính, theo ý mình, hoặc nhìn nhận theo một phạm vi hẹp, chủ quan. Rất mong Việt nam ta sẽ ngày càng có nhiều khởi nghiệp thành các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Phạm Hoàng Hugo

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *